Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Viết tiếp bài “Vụ tranh chấp Dự án Khu dân cư cao cấp và Trường đua ngựa 500ha ở Long An: CPL là ai mà trịch thượng, “đe” địa phương, “dọa” trung ương?”: “Sánh đôi” lạc hướng, trịch thượng đòi “chia”…

Trong số ra ngày 9/5/2019, Báo Người cao tuổi đã chỉ ra lai lịch của China Policy Limited (gọi tắt CPL) và Công ty mẹ Chuang’s Consortium International Limited (Công ty Chuang’s) đều “sinh ra” tại “thiên đường thuế”. Cả "hai mẹ - con” Công ty Chuang’s và CPL không chỉ lộ rõ dấu hiệu “chuyển tiền lậu, đầu tư chui” vào Việt Nam”, mà còn gian dối khi đưa dự án chưa được cấp phép đầu tư ở Long An lên sàn chứng khoán Hongkong rồi hô biến thành “Saigon Beverly Hills”, nhằm thu lợi bất chính. Chưa hết, CPL còn có hành vi vu cáo, muốn đẩy chủ đầu tư vào cảnh tù tội để độc chiếm Dự án… Trong bài này, chúng tôi nói rõ thêm việc CPL trịch thượng, không tôn trọng pháp luật Việt Nam như thế nào.  
Trụ sở Công ty Hồng Phát
“Mưu độc” bất thành,  quay lại “liên doanh” (!)   
Như đã phản ánh trong bài trên, CPL đã có đơn tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát chiếm đoạt 15,6 triệu USD. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác minh, làm rõ và có Văn bản 148/C16-P4 ngày 1/4/2010 kết luận:  Công ty Hồng Phát sử dụng tiền của CPL để đầu tư vào dự án, không hề chiếm đoạt. Mưu đồ thâm hiểm của CPL muốn đẩy chủ đầu tư vào cảnh tù tội để độc chiếm Dự án đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra vạch trần. 
Chính sự vu cáo trắng trợn chủ đầu tư, CPL đã tự biến mình từ đối tác thành đối nghịch với Công ty Hồng Phát. Hơn ai hết, CPL hiểu rõ, khi sử dụng thủ đoạn tàn độc với chủ đầu tư thì cơ hội hợp tác xem như đã chấm dứt. Bởi chẳng có ai muốn hợp tác, liên doanh với người xem mình như kẻ thù, sẵn sàng hạ độc thủ để tiêu diệt.
Đại diện Công ty Hồng Phát lên tiếng: Không chỉ tố cáo, CPL còn lu loa, bêu xấu chủ đầu tư qua công luận. Dù bị  đối tác bỏ rơi và tìm cách chống phá quyết liệt, nhưng Công ty Hồng Phát với tư cách là chủ đầu tư vẫn triển khai Dự án bằng sự nỗ lực cao nhất của mình. Đối với hành vi vu cáo, bêu xấu của CPL, Công ty Hồng Phát chẳng những không “trả đũa” mà luôn thiện chí, tìm cách giải quyết ổn thoả khi không thể tiếp tục hợp tác. Cụ thể, Công ty Hồng Phát cam kết hoàn trả lại choCPL số tiền “tạm ứng” 15,6 triệu USD. Trong đó, có 2 triệu USD, CPL thoả thuận cho Công ty Hồng Phát “tuỳ nghi sử dụng” nhưng Công ty Hồng Phát vẫn trả lại đủ cho CPL.
Sau khi thủ đoạn độc chiếm Dự án bất thành, lẽ ra CPL phải thương lượng với Công ty Hồng Phát để nhận lại tiền, vì hai bên không thể nào tiếp tục hợp tác. Hơn nữa, CPL chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam cũng như việc chuyển tiền đầu tư trái với quy định của pháp luật Việt Nam…
Mọi chuyện đã bày ra trước mắt, nhưng CPL không nhận sai, cũng không thương lượng, mà quay ngược kiện Công ty Hồng Phát đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (gọi tắt VIAC), yêu cầu phải thực hiện “Thoả thuận khung” ngày 1/6/2007. 
VIAC thụ lí Đơn khởi kiện đề ngày 21/8/2012 của CPL, lập ra “Hội đồng” gồm 3 ông Nguyễn Chính (chủ tịch), Chu Khắc Hoài Dương và Đặng Hùng Võ (cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, giải quyết.
Ngày 27/3/2013, tại Chi nhánh của VIAC số 171, Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, “Hội đồng” 3 trọng tài đã họp để giải quyết vụ tranh chấp, được đặt tên là “vụ việc số 29/12”.
Với sự nỗ lực của chủ đầu tư, Dự án đã có thành quả bước đầu.
Với sự nỗ lực của chủ đầu tư, Dự án đã có thành quả bước đầu.
Từ một vùng đất bưng trũng, Chủ đầu tư đang khẩn trương triển khai Dự án 
Dự án đang dần dần trở thành hiện thực
“Liên doanh” bất thành, bức ép “sánh đôi” (!)     
Mặc dù Công ty Hồng Phát phản đối về thẩm quyền cũng như mở phiên xử vắng mặt Hồng Phát và các đồng bị đơn, nhưng ngày 25/4/2013, bộ 3 trọng tài vẫn họp, ra Phán quyết “vụ việc số 29/12” (gọi tắt Phán quyết Trọng tài): Chấp nhận yêu cầu của CPL, Công ty Hồng Phát sẽ tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận khung”, bao gồm quá trình xin cấp phép và đạt được chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh được thành lập giữa Công ty Hồng Phát và CPL. Công ty Hồng Phát sẽ đóng góp quyền sử dụng đất cho phần đất giai đoạn 1 (gồm 13 giấy chứng nhận với diện tích 232,66 ha) dưới tên của Công ty Hồng Phát cho Công ty liên doanh.
“Hội đồng” buộc hai bên cùng nộp 114.207,16 USD “phí trọng tài”; trong đó, CPL thắng kiện chỉ chịu 20%; Công ty Hồng Phát thua kiện nên phải đóng 80%, tức 91.365,73 USD (khoảng 2 tỉ đồng). Do CPL đã tạm ứng toàn bộ “phí trọng tài” nên Công ty Hồng Phát phải trả lại cho CPL số tiền 91.365,73 USD.
Dễ nhận thấy, nếu 3 vị Trọng tài quốc tế “cầm cân nảy mực”, công tâm khách quan, chịu khó xem xét toàn bộ hồ sơ vụ tranh chấp thì chắc chắn không ra Phán quyết Trọng tài “lưng lửng”, không thể thi hành trên thực tế. Chính Phán quyết Trọng tài kiểu này đã khiến cho vụ tranh chấp càng lún sâu vào khủng hoảng, kéo dài dai dẳng, không hồi kết. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ nêu vài điểm mấu chốt mà 3 trọng tài  đã “quên” làm rõ:
Thứ nhất, theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự. CPL đã tự biến mình thành đối nghịch, xem Công ty Hồng Phát  như kẻ thù, sau khi hãm hại bất thành thì nhờ VIAC “nối lại tình xưa”. Với một CPL đầy mưu mô, thủ đoạn, sẵn sàng triệt hạ chủ đầu tư nên Công ty Hồng Phát chấm dứt hợp tác là có căn cứ. Vậy mà 3 trọng tài lại buộc ép hai bên đang như “nước với lửa” cùng “sánh đôi”, thì cả  lí và tình đều không đúng. 
Thứ hai, CPL không lập các thủ tục đăng kí đầu tư dự án để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, lộ rõ đầu tư“chui”. Như vậy, CPL không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam nên không thể đứng tên trong Công ty liên doanh theo Luật Đầu tư 2005. Ngay cả khi chủ đầu tư đồng ý “nối lại tình xưa” thì cũng không thể nào lập được liên doanh Công ty Hồng Phát - CPL do chưa  tuân thủ theo pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, liên quan đến số tiền 15,6 triệu USD, như bài đăng ngày 9/5 chỉ rõ, CPL chuyển ngoại tệ vào Việt Nam khi chưa được cấp phép đầu tư cũng như chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam là trái với quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Việc chuyển tiền còn vi phạm nghiêm trọng Thông tư số 03/2004/TT-NHNN ngày 25/5/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Còn nữa, về nguồn gốc của số ngoại tệ này là “tiền sạch” hợp pháp hay “tiền đen” bất hợp pháp, đưa vào Việt Nam với mục đích “rửa tiền”, cũng chưa được làm rõ…
Có lẽ 3 trọng tài hiểu và nhận thức sâu sắc ba vấn đề cốt lõi vừa nêu trên nên mới ra phán quyết “mở”, cho phép bị đơn “sẽ” thực hiện và không ấn định thời gian để hoàn thành (?!)
Chỉ ra nhiều điểm trong  Phán quyết Trọng tài trái quy định pháp luật, Công ty Hồng Phát đề nghị toà án tuyên huỷ Phán quyết này. Thật khó tin, những “lỗ hổng” Phán quyết Trọng tài đã bày ra trước mắt, nhiều không đếm hết, vậy mà Hội đồng xét xử gồm Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh với 3 thẩm phán Nguyễn Công Phú (chủ tọa), Nguyễn Thu Chinh và Phạm Thị Duyên, dễ dàng cho qua, rồi “hè nhau” công nhận bằng Quyết định số 1171/2013/KDTM-ST ngày 25/9/2013 “không hủy Phán quyết Trọng tài số 29/12”.
 CPL liền lấy Phán quyết Trọng tài làm “bảo bối”, tiếp tục “hô mưa, gọi gió”, tìm cách ngăn cản khiến cho Dự án kéo dài, có lúc bị “trùm mền”, tê liệt…gây nhiều hậu quả nặng nề cho tỉnh Long An cũng như chủ đầu tư. 

“Sánh đôi” lạc hướng,  trịch thượng đòi “chia”…
Như đã phân tích ở phần trên, Phán quyết Trọng tài mang tính mở”, không ấn định thời gian nên khi nào thực hiện và hoàn thành cũng được, trong khi việc lập Công ty liên doanh lại do sự “tự nguyện của các bên đương sự, không ai được làm thay. Đó là hai nguyên nhân cốt lõi khiến Phánquyết Trọng tài không thể thi hành trên thực tế và có thể sẽ kéo dài vô hạn định. 
Lãnh đạo Bộ Tư pháp (cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lí Nhà nước về Trọng tài theo khoản 3, Điều 15 Luật Trọng tài thương mại), đã có Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018, khẳng định: Phán quyết Trọng tài rất khó để tổ chức thi hành trên thực tế… và không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát vì theo luật, sau khi kê biên, Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) phải áp dụng các biện pháp tiếp theo để xử lý tài sản như thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản...Nếu làm như thế thì không đúng theo nội dung Phán quyết Trọng tài.

Thế nhưng, lấy lí do thực hiện theo Phán quyết Trọng tài, hơn 5 năm qua, CPL hết lần đến lần khác yêu cầu thi hành án ngăn chặn, “cấm vận” Dự án để ép chủ đầu tư “liên doanh”. Làm theo yêu cầu của CPL, Cục THADS TP. Hồ Chí Minh và Cục THADS tỉnh Long An đã 4 lần ra lệnh ngăn chặn. Mới nhất là Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 của Cục THADS tỉnh Long An do Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí, ngăn chặn toàn bộ 232,66 ha ha đất Dự án của Công ty Hồng Phát và Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 do Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí “giữ y” Quyết định của thuộc cấp. 
Nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng, trong đó Báo Ngày mới Online và Báo Người cao tuổi nhiều lần khẳng định việc ngăn chặn Dự án là trái quy định pháp luật, gây hậu quả khôn lường, bởi Phánquyết Trọng tài không có nội dung này. Việc ngăn chặn còn thể hiện Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng ra mặt chống lại chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS…
Gần 10 năm dùng nhiều thủ đoạn để ép “chết” chủ đầu tư nhưng không mang lại kết quả, CPL liền bày chiêu trò mới là “chia đất Dự án”. Điều này đã được Tổng giám đốc CPL Tong Kwok Lun đưa ra tại cuộc họp ngày 1/4/2019, do Cục THADS tỉnh Long An tổ chức cuộc họp, Cục trưởng Bùi Phú Hưng chủ trì, có mặt của đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh, …
Theo đó, CP muốn chia diện tích đất giai đoạn I cho mỗi bên để tự thực hiện Dự án. CPL mong UBND tỉnh Long An cùng các cơ quan có thẩm quyền đồng ý với phương án này và đề nghị Hồng Phát đưa ra tỷ lệ phân chia cho mỗi bên.
Thật không thể tin nỗi, CPL sống chết đòi “lập Công ty liên doanh”, quyết  khởi kiện và nộp “phí trọng tài” số tiền hàng tỉ đồng (nộp dùm luôn cho bị đơn, sau đó mới thu lại) để được thụ lý và Phán quyết Trọng tài như ý nguyện. Nay CPL muốn “chia” đất để tự thực hiện Dự án, tự “xé bỏ” Phán quyết Trọng tài. Đây tỏ rõ sự trịch thượng, bỡn cợt, xem thường pháp luật Việt Nam của CPL và Tổng giám đốc Tong Kwok Lun (!). 
Lẽ ra, sự quá quắt của CPL phải được người chủ trì cuộc họp chặn đứng. Đằng này, Cục trưởng Bùi Phú Hưng chẳng những không chặn, mà còn cho Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên (người kí Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018) thoải mái ghi đầy đủ yêu cầu trái pháp luật, đi ngược lại Phán quyết Trọng tài của CPL vào Biên bản họp “giải quyết việc thi hành Phán quyết Trọng tài” (?!).
Cuối biên bản, Cục trưởng Bùi Phú Hưng kết luận khiến nhiều người giật mình:“Nếu hai công ty (Hồng Phát và CPL) thoả thuận được việc tách dự án thì phải có báo cáo Cục THADS tỉnh”. Với kết luận này, Cục trưởng Bùi Phú Hưng bày tỏ quan điểm đồng thuận với việc “chia đất” của CPL, “xé toạc” Phán quyết Trọng tài mà Cục THADS tỉnh Long An tổ chức thi hành suốt gần 5 năm qua.
 Thi hành Phán quyết Trọng tài theo kiểu Cục trưởng Bùi Phú Hưng và  thuộc cấp Đặng Hoàng Yên đã  phần nào lí giải việc CPL trịch thượng, xem thường, bỡn cợt với pháp luật Việt Nam…
 

   
 
Biên bản cuộc họp ngày 1/4/2019, do Cục trưởng Bùi Phú Hưng chủ trì
   Đến đây, CPL trịch thượng như thế nào đã rõ. Liên quan đến việc CPL “đe” địa phương, “dọa” trung ương  chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc.
Nguồn: ngaymoionline.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline0902 424 114