TĐO - 24 giờ là quỹ thời gian quá ít ỏi để doanh nhân (DN) trẻ tuổi này giải quyết hết lượng công việc đồ sộ của hơn 6 công ty bất động sản (BĐS). Bận rộn là thế, nhưng DN Đỗ Văn Hiếu chưa bao giờ dám cho phép mình được ngơi nghỉ. Anh luôn đau đáu với những triết lý kinh doanh mới, mô hình hoạt động mới trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, nhằm hướng tới nhiều giá trị mang tính bền vững và ổn định.
Từ triết lý đến cuộc sống
Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở miền Trung, ký ức tuổi thơ của Đỗ Văn Hiếu bị ám ảnh bởi sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên lên những mái nhà liêu xiêu, yếu ớt và mong manh thuở nhỏ mỗi khi quê nhà gặp bão. Hoàn cảnh khó khăn ngày bé đã góp phần hình thành nên nghị lực sống mạnh mẽ, đức tính kiên cường, chịu khó của Hiếu. Lên Sài Gòn lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, cậu sinh viên trẻ Đỗ Văn Hiếu bắt đầu thử sức ở rất nhiều công ty BĐS lớn, nhỏ khác nhau. Suốt khoảng thời gian ấy, anh đã tích góp cho mình không ít kinh nghiệm, triết lý quý báu của ngành nghề.
Ban đầu, Đỗ Văn Hiếu hướng mình theo triết lý "An cư, lạc nghiệp": cuộc sống muốn ổn định thì phải có nhà cửa, mái ấm. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn xảy đến khi Hiếu làm chủ santructuyen.com đã làm cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác. Vào thời điểm đó, santructuyen.com là một trong những sàn "nóng" nhất và được rất nhiều người kinh doanh trong lĩnh vực BĐS và chứng khoán quan tâm. Không ít người đặt vấn đề muốn mua lại santructuyen.com với giá cao ngất ngưởng, tương đương cả một ngôi nhà lớn lúc bấy giờ - điều hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của Hiếu. Thế nhưng, một sức mạnh vô hình nào đó đã tác động lên Hiếu khiến anh từ chối những lời mời gọi hấp dẫn, với niềm tin sắt đá: "Nó là đứa con của mình. Bán là hết".
Đỗ Văn Hiếu quyết định thay đổi, phát triển lĩnh vực kinh doanh trực tuyến BĐS theo triết lý "An Vi" (từ dùng của Giáo sư Kim Định), trong đó, An: sự bình an, thuộc an cư; Vi: sự tương tác hành động. "An Vi" có nghĩa là phải tương tác hành động mới an cư lạc nghiệp được - cuộc sống và giá trị của nó nằm ở tính thực tiễn. Sau này, chính "đứa con tinh thần" đầu đời santructuyen.com đã được Hiếu phát triển mạnh mẽ hơn nữa ở Công ty Sàn Trực Tuyến (STT Group). Tham vọng của DN Đỗ Văn Hiếu chưa dừng lại ở đó, anh muốn trở thành một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh BĐS trực tuyến.
Mới có triết lý định hình không thì chưa đủ thấm thía trong kinh doanh, Hiếu quyết định bổ trợ khả năng siêu bán hàng (Super Sales) của mình bằng một mũi nhọn khác về quản trị kinh doanh. Anh suy nghĩ một cách đơn giản: nếu bán hàng mà không có chiến lược thì thực sự không mang lại hiệu quả cao nhất. Vừa đi làm ban ngày, vừa đi học ban đêm, cuối cùng những nỗ lực của Hiếu đã được đền đáp với tấm bằng MBA - Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (nghiên cứu chuyên sâu về truyền thông và marketing).
Bước ngoặt thứ 2 lại đến, Hiếu từ nhân viên marketing trở thành giám đốc marketing của một tập đoàn kinh doanh lớn về BĐS. Lần thay đổi này có thể xem như là một bước tiến lớn trong tư duy làm việc của Hiếu. Anh quyết định mua lại công ty BĐS mà mình đang làm việc để trở thành ông chủ, với một ý niệm từ triết gia Sokrates: "Không ai có thể tắm 2 lần trên 1 dòng sông". Đỗ Văn Hiếu nhận ra rằng cơ hội của mình đã tới và phải nắm bắt lấy nó thật nhanh chóng.
Dẫn đầu ngành BĐS Việt với tư duy mới
Hiện, Đỗ Văn Hiếu đã trở thành Chủ tịch của 6 công ty, gồm: An Gia Group, Công ty Sàn Trực Tuyến (STT Group), Công ty BĐS An Gia Lập Nghiệp, Công ty An Gia Construction, Công ty Royal International, công ty Hội Triệu Phú. Anh cũng từng có thời gian đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc của An Cư Lạc Nghiệp – Thái Sơn Group – Bộ Quốc Phòng. DN Đỗ Văn Hiếu chia sẻ bí quyết thành công của anh khi bước chân vào ngành BĐS Việt chính là bí quyết dùng người: "Khi bạn muốn thành công thì điều đầu tiên là bạn phải biết nhìn người, mà phải là người trung hậu và có tài. Bởi lẽ, công nghệ bạn có thì ai cũng có, ý tưởng bạn hay thì nhiều người hay hơn bạn".
Theo doanh nhân trẻ thành đạt này, muốn thành công thì cách thức tư duy về triết lý kinh doanh phải khác và ý thức dùng người là 2 yếu tố quan trọng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, một mình bạn không thể nào quán triệt, làm tốt hết tất cả mọi thứ. Vì vậy, với đặc thù riêng của ngành BĐS vốn rộng và có thể nói là yếu tố cạnh tranh hết sức khốc liệt, bạn có nhiều người tài ở bên bạn, lo cho bạn nhiều việc quan trọng thì giống như "hổ mọc thêm cánh". Tuy nhiên, họ vẫn có thể bỏ bạn mà đi nhưng với DN Đỗ Văn Hiếu thì chính sách giữ người luôn được thiết lập và đưa lên hàng đầu với nhiều khoản lợi nhuận "khủng".
Thứ hai, từ triết lý kinh doanh trung tâm – DN Đỗ Văn Hiếu đã đưa ra một ý niệm mới: Kinh doanh ngoại vi. Đơn giản, nơi nào nhiều "mật ngọt" thì lắm kẻ dòm ngó, vì vậy thị trường càng thu hẹp và khó phát triển được. Từ triết lý trung tâm sang ngoại vi và từ từ dồn về trung tâm – sẽ tạo ra các yếu tố siêu lợi khác cho người mua như: giá, chính sách khuyến mãi… Theo anh Hiếu, tư duy này sẽ giúp cho doanh nghiệp thoát khỏi hiện tượng "cá lớn luôn ăn thịt cá bé".
Thứ ba, phân khúc nào mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thì được gọi là "thị trường mới". Với tư duy "chẻ sợi tóc làm bốn", thị trường ngách sẽ được đầu tư khủng khiếp. Doanh nghiệp muốn thành công ở thị trường này, cần yếu tố con người, vì chỉ con người thực tài mới phát triển được "miếng bánh" đầy hấp dẫn này của thị trường BĐS Việt.
DN trẻ Đỗ Văn Hiếu đã và đang ngày càng khẳng định mình trong thị trường BĐS Việt, với ước vọng trở thành người dẫn đầu về triết lý kinh doanh mới trong ngành. Anh luôn tâm niệm: mọi con sông đều chạy ra đại dương hung dữ và bao la – nhưng không có nghĩa là bạn không có quyền ghi tên mình lên một đoạn, khúc, hay cả một bờ dài nào đó.
Theo Duy Kỳ
PV báo Thời Đại
http://thoidai.com.vn/kinh-te/do-van-hieu-doanh-nhan-tre-khat-vong-dan-dau-nganh-bds-viet_t209c14n69195
0 nhận xét:
Đăng nhận xét