Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Để Không 'Căm Thù' Khi Diễn Thuyết


Hãy học cách gây ấn tượng với khán giả khi diễn thuyết.
Lần nào cũng vậy, tim bạn đập loạn xạ, mồ hôi ướt đầm bàn tay, và còn nói lạc cả giọng. Không phải bạn đang đứng trước họng súng của một tên cướp, mà bạn đang chuẩn bị thuyết trình trước một nhóm các nhà đầu tư hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Tại sao nói chuyện trước đám đông lại gây ra cảm giác sợ hãi và hoảng hốt đến vậy? “ Một số người thậm chí còn sợ việc này hơn cả cái chết”, đó là lời của ông Kim Dower, tác giả cuốn “ Life is a series of presentations” (cuộc sống là một loạt những bài thuyết trình) và cũng là chủ của công ty dịch vụ truyền thông văn hóa Kim-From-L.A. “ Chính nỗi lo sợ về sự thất bại trước đám đông là nguyên nhân gây nên những triệu chứng này. Sự hồi hộp đó là có thực và thuộc về vấn đề thể chất”.
Cho dù đó là một đối tác kinh doanh hay một nhóm các nhà đầu tư mà bạn cần phải cố gắng thuyết phục thì yếu tố sợ hãi cũng gây ức chế nghiêm trọng lên việc diễn đạt lời nói của bạn. Thậm chí các chuyên gia trong chính lĩnh vực của mình cũng phải trải qua cái gọi là “hội chứng ký ức bị đánh lừa”, ông Downer cho biết, “Chúng tôi nhiều lúc đang tỉnh mà lại không biết là mình đang làm gì, thậm chí không tin nổi mình đang cố gắng nói điều gì”.
Và nếu bạn nghĩ rằng sự lúng túng do phải đứng trước hàng trăm ánh mắt đổ dồn như vậy không có gì quá xấu hổ, thì xin bạn hãy nghĩ lại. Chế ngự nỗi sợ hãi và cố gắng diễn đạt lưu loát chính là chìa khóa dẫn tới thành công trong công việc kinh doanh.
“Hai kỹ năng quan trọng nhất để có thể thành công trong sự nghiệp chính là khả năng nói và viết trôi chảy”, theo lời bà Diana Booher, tư vấn viên về ngôn ngữ giao tiếp cho 500 khách hàng, một diễn giả và tác giả có tiếng của công ty Fotune. “Suy nghĩ là một quá trình diễn ra hết sức bình thường và tự nhiên. Đó là những điều bạn viết ra, gửi qua thư hay lưu vào đĩa để mọi người đều đọc, hoặc là những điều mà bạn diễn đạt trước đám đông và nhận được sự quan tâm chú ý.”
Ý nghĩa to lớn của khâu chuẩn bị
Thật may là bạn có thể biến sự e sợ cũng như lo ngại trước lúc thuyết trình thành niềm ham thích và nắm được thế chủ động để gây được ấn tượng mạnh đối với mọi người. Chuẩn bị kĩ càng giúp cho những nhà hùng biện thành công chiếm được lợi thế hơn so với những người khác. Điều này có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể lái khán giả hay các đại biểu theo ý của mình.
Ông Downer nói rằng, “Mỗi người lắng nghe và tiếp nhận thông tin theo các cách khác nhau. Hãy diễn đạt sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Chẳng hạn, nếu bạn là một phụ nữ phải đứng thuyết trình trước một nhóm các quý ông thương gia, đừng nên xuất hiện trong bộ váy dài sát đất hay quàng khăn kín mít. Hãy cứ tự nhiên như là những khán giả ngồi nghe bạn nói. Một nguyên tắc nên áp dụng đó là ăn mặc như một nhà lãnh đạo cấp cao ra quyết định giữa nhóm người xung quanh. Bạn cũng nên đảm bảo là ngoại hình của bạn không quá trái ngược với nội dung hay thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Đừng nên đeo trang sức quá lòe loẹt hay bất cứ cái gì sặc sỡ.
Vì khán giả đánh giá tính thuyết phục của bạn thông qua ngoại hình, thái độ, tác phong, cử chỉ, biểu hiện nét mặt nên cách xử sự của bạn cần phải tự nhiên và ôn hòa. Bà Booher cho hay, “Nếu bạn đứng trong tư thế cứng nhắc, nói liên tục không nghỉ, mọi người sẽ cho rằng bạn thiếu tự tin”. Nếu có thể, bà cũng khuyên chúng ta hãy cư xử như thể đang đứng trước những người bạn, chú ý biểu hiện nét mặt tươi tỉnh, tư thế để tay và hơi thở thoải mái. Nếu như bạn sắp sửa tung ra một dòng sản phẩm mới hay cố gắng thuyết phục việc thông qua ngân sách, bạn cần phải làm sao để từng người đều chú ý đến mình, để họ tin tưởng bạn và quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, trước buổi thuyết trình hay buổi nói chuyện, bạn nên nghe đài hay xem tivi. Hãy tìm hiểu xem tại sao bạn lại chuyển từ kênh này sang kênh khác và điều gì khiến khán thính giả cảm thấy khó chịu. Có phải là do khán giả thích tranh cãi hay là quá bảo thủ không? Hãy ghi chép lại những điều khiến khán giả không hài lòng và cố gắng thỏa mãn họ. Hãy tìm hiểu và học tập những người có tài hùng biện lôi cuốn.
Để thoải mái hơn trước khi bắt đầu bài nói, bà Booher khuyên rằng hãy tìm xem có những ai ủng hộ bạn. “ Đừng nên nhìn những người cục cằn khó tính và không mấy thiện cảm với bạn. Khi bắt đầu, bạn sẽ là người hồi hộp nhất, vì thế hãy nở một nụ cười thật tươi với những người hào hứng nghe bạn nói và hãy tập trung sự chú ý vào họ.
Đừng mắc những sai lầm cơ bản
Để thu hút sự chú ý của khán giả, hãy đảm bảo là bạn bắt đầu với thông điệp thật ngắn gọn, thông điệp quan trọng nhất. Những người không giỏi trong giao tiếp thường cố bao trùm tất cả những vấn đề mà họ thấy cần trước khi đi vào chi tiết cụ thể. Những người đó, mặt khác lại không đi sâu vào những vấn đề cần chi tiết và còn tỏ ra nôn nóng, nhát lại nhìn đồng hồ. Thay vì như thế, hãy bắt đầu bài nói với những phần tổng quát hay nói cách khác là sườn bài, sau đó đắp thêm nội dung chi tiết vào.
Bài nói của bạn sẽ thêm phần hấp dẫn nếu bạn biết cách tỏ ra khiêm tốn, thân mật, tốt bụng, chân thật và hài hước, hơn là tỏ ra quá kiêu căng và xa lạ. Tuy vậy bà Booher nói rằng đừng bao giờ bắt đầu bằng một kiểu gây cười “ Nếu bạn không biết cách gây cười và câu nói đùa của bạn chẳng khiến ai cười cả thì chắc chắn sự tự tin của bạn sẽ bay biến hết, và bạn khó có thể tiếp tục suôn sẻ được.”
Một sai lầm khác khá phổ biến đó là phụ thuộc quá nhiều vào hiệu ứng máy chiếu. “Bạn sẽ biến thành người tường thuật lại y chang những gì trên máy chiếu và việc này dễ khiến người nghe buồn ngủ”. Bà cho biết thêm “Các hiệu ứng kỹ thuật nghe nhìn chỉ nên bổ sung cho bài nói của bạn thôi, nhằm nhắc cho bạn vấn đề gì sẽ được đề cập tiếp theo chứ không phải là cái khung đỡ cho bài nói.”
Khi sắp xếp bài nói, điều khôn ngoan là bạn nên chuẩn bị thật kĩ lưỡng. Hãy đoán trước các câu hỏi để bạn không bị lâm vào thế bí. Nếu gặp phải một câu hỏi mà chưa chuẩn bị trước, bạn có thể kéo dài thời gian suy nghĩ bằng cách di chuyển chỗ đứng hay là tháo kính ra. Tỏ ra thành thật là một cách tốt khi bạn lâm vào thế bí và không trả lời được. “ Mọi người sẽ tôn trọng và thông cảm cho bạn nếu như bạn tỏ ra thành thật, chẳng hạn như “Đó là một câu hỏi rất hay. Nhưng do kiến thức có giới hạn nên tôi chưa thể đưa ra câu trả lời đầy đủ được”, hoặc là “ Tôi muốn nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này. Sau đó tôi sẽ đưa ra câu trả lời chính xác cho bạn”. Bạn cũng có thể dùng một cách nói gây cười để giấu đi sự ngượng ngùng của mình.
Và trên hết, nếu một ai đó bên phía những người khó tính đưa ra  lời nhận xét nào đó, đừng coi đó là một lời xúc phạm. Hãy bám vào những luận điểm của mình, đừng nên để ý tới những câu nói đó. Bạn cũng đừng đi lạc đề. Hãy bình tĩnh và trung thành với quan điểm của bạn. Đó là những điều mà Downer khuyên chúng ta.
Nếu bạn nhận thấy lời nói của mình không được chú ý và đang mất dần khán giả, hãy cố gắng tạo sự thay đổi trong bài thuyết trình để gây chú ý. Hãy đưa ra một số liệu thống kê hay kể một câu chuyện cười, hoặc là giới thiệu về một cuốn sách quảng cáo, chơi trò đố vui hay cho họ xem tấm cạc kinh doanh của bạn, tất cả nhằm mục đích hướng sự chú về phía bạn hay chuyển hướng cuộc trò chuyện.
Và cuối cùng, hãy bình tĩnh, tự tin, luôn ghi nhớ trong đầu mục tiêu của buổi thuyết trình, đó là lời khuyên của Downer. “Nếu bạn phải đứng trước một buổi thuyết trình nhằm mục đích hệ trọng hơn, điều này đòi hỏi bạn cần phát huy tính tự giác cao hơn, và nó giúp bạn tập trung hết mình cho bài nói trước khán giả hay đối tác”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline0902 424 114